Bí quyết

Bí quyết và kinh nghiệm của người trong cuộc về du học Singapore – phần 3


Phần 3

Phỏng vấn ASEAN/ASTAR, polytechnic và đại học Singapore

Đeo kính nào để thu hút người ta?

Đọc phần 1 (Giới thiệu chung), phần 2aphần 2b (du học trung học)

Trong phần trước, Hạnh nhỡ dùng kính hết rồi, lần này vẫn phải dùng kính tiếp, mặc dù nghe nó hết vui rồi :(. Người không đeo kính nó vậy đấy, thấy người đeo kính trông trí thức và…cool :). Như đã hứa, phần này sẽ nói về bí quyết và kinh nghiệm phỏng vấn ASEAN/ASTAR trung học và cả polytechnic và đại học Singapore nữa, kịp thời gian cho các bạn phỏng vấn ASEAN vào 1/8 tới.

Mục đích của cuộc phỏng vấn: Hiểu được bạn là người như thế nàotìm ra những người nổi trội. Chính vì vậy, hãy lấy câu hỏi :”Liệu mình có thể hiện được mìnhlàm mình khác với người kế tiếp bằng phương pháp/tác phong/nội dung trả lời của mình không?” ra làm thước đo cho mọi quá trình.

Trước ngày phỏng vấn

a. Nghiên cứu (Research)

Có hai điều cần nghiên cứu: Nghiên cứu về môi trường mình sẽ học, và quan trọng nhất, nghiên cứu về bản thân mình.

Nghiên cứu về môi trường sẽ học, trái với suy nghĩ nhiều người, không chỉ nhằm mục đích để gây ấn tượng với người phỏng vấn, mặc dù việc này đương nhiên là rất quan trọng. Thực ra, nghiên cứu kỹ lưỡng về môi trường là đánh giá cuối xem nó có hợp với mình không. Đừng quên là bạn sẽ gắn bó với môi trường sắp tới ít nhất 4 năm (trung học) hoặc ít nhất 7 năm (đại học+bond). Người tuyển bạn không chỉ tìm người đạt tiêu chuẩn mà còn phải phù hợp nữa, và chỉ qua nghiên cứu kỹ bạn mới biết được điểm nào của trường/Singapore thật sự phù hợp với bạn. Hãy vượt lên khỏi những nghiên cứu kiếu “mắt thường” rằng Singapore rất xanh, rất đẹp, giáo dục rất tốt mà hãy dùng “kính hiển vi” để nhìn vào những điểm nhỏ nhất mà mọi người tưởng chừng sẽ bỏ qua. Mình nhớ một câu trả lời của học sinh mình, khi được hỏi bạn đến Singapore rồi thì ấn tượng lớn nhất của bạn về Singapore là gì. Bạn trả lời, “Mình bước ra khỏi MRT (tàu điện ngầm) sau khi ngồi trên đó 1 tiếng đồng hồ, ngồi xuống, nhìn xung quanh và nghĩ. Mình nghĩ đến bao giờ nước của mình mới có được một thứ như thế này.” Câu trả lời ngắn, đơn giản, có phần khó hiểu vì tiếng Anh của bạn chưa tốt, nhưng rất… khác và nổi trội so với những câu trả lời của các bạn khác, thường ca tụng Singapore lên tận mây xanh, với nội dung thì giống hệt như trang Wikipedia hay tờ rơi du lịch Singapore.

Tương tự như vậy với việc nghiên cứu về trường, hãy tìm ra điều hay ho mà sẽ làm bạn khác biệt với những bạn khác.

Nhiều người nghĩ: “Bản thân mình thì có gì mà cần nghiên cứu?” Vậy mà phần lớn học sinh được phỏng vấn không thể, hoặc cần rất lâu để trả lời những câu hỏi cội nguồn về bản thân mình như, mô tả bản thân mình, bạn mơ ước gì và đã làm gì để thực hiện ước mơ ấy v.v. Hay phần lớn học sinh khi được hỏi mô tả bản thân mình đã không nói được gì nhiều hơn là liệt kê các thành tích mà mình đã đạt được. Nên nhớ, bạn cần tìm cách market bản thân mình để người ta đồng ý “mua”. Nếu bản thân bạn không hiểu rõ về bản thân mình, không thấy gì thú vị về cuộc sống, tính cách, quan điểm của mình ngoại trừ điểm số trên lớp, thì hãy chắc rằng người phỏng vấn bạn cũng sẽ không thấy gì đáng “mua” ở bạn, vì chính bạn còn không thấy mình thú vị cơ mà.

Vậy thì câu hỏi là nghiên cứu về bản thân như thế nào? Hãy tìm các sample interview questions(Google it!) và viết câu trả lời ra giấy. Khi bạn trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ tự tìm hiểu bản thân. Đừng chỉ trả lời đơn thuần, hãy trả lời tiếp các câu hỏi mà sẽ thực sự thể hiện rõ cá tính của bạn như tại sao (bạn lại thích quyển sách này) hay (bạn đã vượt qua nỗi sợ) như thế nào và ví dụ. Ôn lại những kỷ niệm, những ký ức, những sở thích lạ lùng, lục lại niềm đam mê của mình. Tạo  quan điểm của mình về tất cả mọi thứ và bảo vệ được nó. Kể cả khi người phỏng vấn không hỏi bạn những câu đã chuẩn bị, bạn vẫn có thể lái câu chuyện theo hướng những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị sẵn.

b. Tập luyện

Hãy tập trả lời những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị trước gương, theo những chỉ dẫn về ngôn ngữ cơ thể sẽ nói ở phần 2. Nếu đặt vị trí là người phỏng vấn, và bạn thấy con người trong gương đáng được nhận vào vì con người ấy tự tin, thoải mái, chân thành thì là được. Việc tập luyện cũng sẽ giúp bạn trả lời bằng tiếng Anh trôi chảy hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được học thuộc lòng câu trả lời – người phỏng vấn sẽ thấy rất rõ là bạn đang trả bài, chứ không phải trả lời.

Trong ngày phỏng vấn

a. Hỏi

Người phỏng vấn ASEAN/ASTAR và cho các cuộc thi Singapore nói chung, sẽ không được…uhm… nice cho lắm đâu, khác với phỏng vấn ở một số nước khác. Ngược lại, người ta sẽ tìm cách xoáy vào những nhược điểm trong câu trả lời của bạn, để thử thách bản lĩnh và tìm hiểu được con người thật của bạn, vì ai đi phỏng vấn chẳng chuẩn bị kỹ các câu trả lời sao cho có lợi nhất. 🙂 Điều này cũng để xem bạn trả lời có đúng sự thật không? Thế nên lúc bạn chuẩn bị, phải chuẩn bị một câu đến đầu đến đũa, đoán được người ta sẽ hỏi câu gì. Kinh nghiệm từ chính bài phỏng vấn của mình, mình chuẩn bị trước câu: “Bạn thích quyển sách gì tại sao?” Thế nên khi người phỏng vấn mình hỏi câu “Sở thích của bạn là gì?”, mình trả lời ngay “Đọc sách,” biết chắc người ta sẽ hỏi tiếp câu mình đã chuẩn bị để xem mình có thích đọc sách thật hay không hay bịa ra cho nghe có tính bác học. Y như rằng… 🙂

Đừng đưa câu trả lời sẽ đưa bạn vào thế bí, trừ phi bạn biết cách thoát ra khỏi thế bí ấy thì sẽ gây ấn tượng mạnh. Người Việt, do học văn học ở trường nhiều, hay có thói quen trả lời gây xúc động mà bỏ qua mọi lý lẽ. Ví dụ, câu trả lời mà các bạn rất hay đưa ra về ước mơ của mình là làm bác sĩ để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ngay lập tức bạn sẽ bị hỏi những câu rất thực tế như, “Một mình em chữa bệnh liệu có làm thay đổi cục diện hay chỉ là giải pháp tạm thời?” “Em định lấy đâu ra tiền để mua trang thiết bị, dụng cụ cho ước mơ ấy, trong khi em chữa bệnh miễn phí cơ mà?” “Nếu như hàng nghìn người bệnh nhân nghèo đến chỗ em, vì là miễn phí cơ mà, thì em định chữa xuể như thế nào? Đặt bệnh nhân nào trước?” v.v. Trừ phi bạn đã suy nghĩ kỹ lưỡng, đừng đưa ra những câu trả lời đầy sơ hở, vì đó sẽ chỉ là miếng mồi ngon cho những người phỏng vấn xoáy vào và chứng minh là bạn chỉ nói vậy để tạo ấn tượng là bạn cao cả thôi.

b.Trả lời

Có một bí mật bạn nên biết: Chẳng người phỏng vấn nào nhớ vào đầu nội dung câu trả lời. Chân thành xin lỗi bạn rằng bạn đã mất công chau chuốt câu chuyện vượt khó của mình, nhưng không ai nhớ cả đâu. Quan trọng là ở cách trả lời và thái độ thể hiện được con người và cách suy nghĩ logic hay tình cảm, lạc quan hay đầy nghi ngờ về cuộc sống v.v. Không có gì là đúng hay sai, chỉ có bản thân bạn là quan trọng. Bạn thể hiện được bản thân mình là thành công. Chính vì vậy, bạn phải chân thành, vì người phỏng vấn muốn mua bạn chứ không phải người nào đó bạn vẽ nên. Chưa kể chuyện những người phỏng vấn đều là những người đã phỏng vấn lâu năm hàng nghìn người, và “mưu đồ” lừa dối của bạn trong mắt họ sẽ chỉ là trò trẻ con. Trong bao nhiêu lớp phỏng vấn, câu trả lời ấn tượng nhất với mình đến từ một em học sinh không phải là nằm trong những học sinh có nhiều cơ hội. Trước câu hỏi, “nếu so mình với các bạn cùng lứa, em có nghĩ mình nên được chọn?” bạn nam đã trả lời không do dự, “không.” “Sao em biết là không?” “I know it, I know it for sure and I just know it.” Đương nhiên câu hỏi mình hỏi kế tiếp sẽ là “Nếu như em còn không thấy mình nên được chọn, sao em lại nghĩ chúng tôi sẽ chọn em? Thậm chí còn đi thi làm gì làm mất thời gian của em và của chúng tôi?” (Vâng, mình rất quá đáng 🙂 Nhưng người phỏng vấn sẽ quá đáng như vậy đấy). Những tưởng bạn ý sẽ lúng túng và thấy xấu hổ, nhưng bạn đã nhìn thẳng vào bọn mình, với sự chân thành tràn đầy trong mắt trả lời, “I just want to try my best and I will know that I have tried my best.” Bammmm, tất cả những người phỏng vấn đều chết gục. Tại sao ư? Vì nó thể hiện rõ con người bạn ấy, có phần tự ti nhưng rất chân thành, rất khác với những con người khác. Là kính hàng độc, có thể sẽ không được mua nhưng chắc chắn là khác hẳn với kính sản xuất hàng loạt.

Một cái nữa là cách bạn tư duy và sắp xếp câu trả lời là rất quan trọng. Trước những câu hỏi chung chung như kiểu nói về “vấn đề mà em cho là đáng ngại nhất ở nước  em?”, chẳng ai sẽ nhớ câu trả lời của bạn cả, vì phần lớn mọi người sẽ cho là tham nhũng, giao thông, hoặc hot girl ngực lớn thôi. Nhưng cách bạn sắp xếp câu trả lời, bảo vệ quan điểm, dẫn chứng ví dụ sẽ nói lên rất nhiều về cách tư duy, chính kiến và hiểu biết của bạn. Và đấy là cái người phỏng vấn muốn biết.

c. Ngôn ngữ cơ thể (Body language) và các lưu ý khác

Phần này đã quá quan trọng, tất cả các bài tips cho interview đều đã nói về phần này. Có lẽ bạn nên tự nghiên cứu thì hơn. Tóm lại sẽ có mấy điều:

  1. Cười
  2. Eye Contact: nên nhìn vào giữa hai mắt nếu như bạn chưa quen. Không nhìn lên trần nhà khi nghĩ hoặc khi lúng túng. Nghĩ khi đang nhìn vào mắt người khác.
  3. Không uhm, ohm, ah
  4. Ngồi thẳng lưng, di chuyển cơ thể theo từng idea mà mình nêu ra.
  5. Bàn tay là rất quan trọng. Tay luôn mở, và phải làm chủ bản thân không cho tay sờ lên đầu, gáy, vạt áo, mũi khi lúng túng – đừng tưởng dễ.
  6. Không dùng quá 5 giây để nghĩ giữa câu hỏi và câu trả lời. Chưa nghĩ ra? Nói thẳng với người phỏng vấn là em cần thời gian sắp xếp idea hoặc câu giờ bằng cách hỏi lại câu hỏi.
  7. Tập luyện với người nhà/bạn bè để làm được những điều trên. Nói mọi người cho nhận xét về impression mà bạn tạo ra.
  8. Mặc đồ thoải mái-nghiêm chỉnh-gọn gàng. Ý kiến của bản thân mình là, bạn nam bạn nữ không nên mặc đồ quá formal như veston, áo dài vì sẽ tạo cảm giác bạn cứng nhắc/già, và bạn cũng dễ bị phân tán vì trang phục. Đặc biệt là trong trời mùa hè, không gì kinh khủng hơn là nhìn bạn mồ hôi mướt mát, áo dài trong suốt vì mồ hôi. Kiểm tra lại trang phục, đầu tóc, giày dép trước khi ra khỏi nhà và khi đến nơi.

Sau ngày phỏng vấn

Bạn thấy tồi tệ về bản thân? Tin vui cho bạn là, bất kỳ ai cũng sẽ thấy hối hận sau một cuộc phỏng vấn, ngồi ôn lại từng câu trả lời và ước mình đã trả lời thế này thế kia. Đấy là chuyện bình thường. Nhưng đừng quên sự thật là người phỏng vấn không ai nhớ nội dung câu trả lời của bạn nhu bạn đâu. Quan trọng là ấn tượng bạn đã tạo ra trong cuộc phỏng vấn, và giờ hãy cứ rung đùi ngồi chờ kết quả đi thôi. Chúc kết quả ấy sẽ như bạn mong đợi.

* Tác giả bài viết: Hạnh từng nhận học bổng ASTAR sang Singapore học trường National Junior College – trường nằm trong top 5 junior colleges ở Singapore và đang tiếp tục nhận học bổng ASEAN để theo học Communication tại Nanyang Technology University trong năm nay.

Muốn đóng góp vào nội dung của bài? Muốn hỏi thêm kinh nghiệm tác giả? Comment ở phần dưới để.. lại được trả lời nhiệt tình.

Nếu như bạn muốn có kinh nghiệm thi đại học Singapore, hay chỉ đơn giản là thích thú với series bài này, hãy đăng ký để được nhận bài viết mới, RSS feed, bookmark IY hoặc follow IY trên Facebook để được cập nhật về bài sau nhé.

38 thoughts on “Bí quyết và kinh nghiệm của người trong cuộc về du học Singapore – phần 3

  1. Cảm ơn chị Hạnh! Bài viết có rất nhiều thông tin mà em đang tìm kiếm, ngày thi sắp đến rồi, có bài của chị em thêm tự tin.

  2. Chị ơi, bài này đúng là có nhiều bí quyết hay, nhưng chị có thể chỉ ra giúp em bí quyết nào là quan trọng và quyết định nhất được không? 1.8 em thi rồi, mà nghĩ đến là thấy run. e đợi hồi âm của chị.

    1. Tin buồn là, bí quyết nào chị cho lên đây là đã chọn lọc bớt rồi đấy 🙂 Tin vui là, với những bạn mà thực sự thấy mình không thể làm được tất cả các điều trên, thì có thể tập trung vào organisation of ideas và quality and uniqueness of idea, cũng như research và preparation of interview questions. Những điều khác rất quan trọng, tuy nhiên, nếu người ta thấy em là con người quá nổi trội trong cách tư duy, thường cũng sẽ thông cảm với môi trường Việt Nam mà châm chước cho body language hay tiếng Anh. Về tiếng Anh, trong cuộc phỏng vấn, hãy đừng quá tập trung vào cách phát âm hay ngữ pháp. Chỉ cần nói sao cho người ta hiểu (nói to lên! Ta lấy âm lượng bù chất lượng phát âm) và tập trung chăm chút cho idea của mình và thể hiện được bản thân mình.

      Nói thì nói thế, nhưng hãy nhớ là em đang trong một cuộc đua. Nếu như các bạn khác có thể chuẩn bị mọi thứ, trong khi em chỉ chuẩn bị được một thứ thì không chắc em đã thắng.

      1.8 thì giờ không phải là muộn đâu (thế mới post bài vào giờ này zzzzz). Chị hồi xưa nhận được kết quả thi hôm trước, hôm sau phỏng vấn luôn. thế là dành một buổi lên mạng trả lời khoảng 30 câu hỏi, với xem tips phỏng vấn, rồi cứ thế đi thôi. Có khi vì mình chuẩn bị ít quá nên tâm trạng thoải mái trả lời vô tư. Nhưng chị cũng làm đúng theo tips thật, eye contact, open palm với smile đàng hoàng :D. Thôi tập đi, đừng ngồi chờ hồi âm của chị nữa.

  3. cảm ơn chị Hạnh đã thực hiện lời hứa nhé. Em nghĩ em đã học được nhiều từ bài viết của chị.

  4. Bài của chị rất nhiều bí quyết. Em thấy nó rất thực tế chứ không phải sách vở. Em đọc bài thì thấy chí vừa là giáo viên, vừa là học sinh đã từng thi PV ở Sing. Nhưng em muốn chị kể cho em một tình huống thú vị hồi chị đang là học sinh và thi PV như thế nào? (chắc em chỉ làm mất của chị 5 phút thôi, em đang rất cần kinh nghiệm xử lý tình huống mà. Em cảm ơn chị)

    1. Xử lý tình huống hả? À, trong cuộc phỏng vấn của chị, (chị nhớ láng máng thôi) khi mọi người đang nói về kết quả học tập của chi, thì chị nói là chị khá là chăm học và thấy việc học khá ẹnoyable. Thê là bà hiệu trưởng raised one eyebrow và hỏi, “Really? So you study all the time huh?”, chị ngoan ngoãn, “vâng!”. Thế là bà ý hỏi tiếp, “So no TV huh?” rồi cười kiểu encouraging. Bình thường thì chắc nếu để phù hợp với tình huống và mạch phỏng vấn thì chị đã nói (dối) là “No, not at all,” rồi. Nhưng không hiểu sao hôm đó chị tỉnh táo thế nào để nói, “On the contrary, I do watch TV a lot.” Rồi chị bê nguyên cái câu chị đọc trong quyển TOEFL essay vào nói luôn, “because to me, TV is not only a source of entertainment, but also a source of information.” Xong thấy các ông bà gật gù với nhau, nên chắc cũng ok 🙂 Đại loại là nên tỉnh táo, be sincere và bảo vệ chính kiến của mình.

  5. Cám ơn chị Hạnh, bài viết của chị rất hay và hữu ích khi giải đáp được nhiều thắc mắc của em lắm. Mặc dù năm sau em mới thi nhưng chưa gì đã hồi hộp và sợ khi thấy bạn anh chị đang cấp rút ôn thi rồi. Và cho em hỏi chị có nick yahoo hay thông tin liên lạc gì kg ạ?

    1. Hi Thy, nếu em có câu hỏi nào liên quan đến quá trình chuẩn bị đi du học thì em nên post lên đây để các anh/chị khác cùng chia sẻ được với em. Và những bạn khác có câu hỏi như em cũng sẽ tìm thấy câu trả lời ở đây luôn.

  6. À dạ chị Hanh ơi, cho em hỏi một xíu, tự dưng em đang thắc mắc rằng phòng trường hợp người ta hỏi vì sao bạn chon Sing là nơi du học thì mình phải trả lời sao cho hợp logic hả chị. Vì e nghĩ, tâng bốc nó lên thì cũng được, nhưng điều đó quá dễ hiểu, nhưng nếu quay sang chê Viêt Nam thì chẳng lẽ coi như chê bản thân mình vì mình cũng trải qua mấy năm học ở Viêt Nam mà. Vậy thì trả lời làm sao cho hợp ý đây nhỉ 😦 ? + em nghĩ a star là học tìm kiếm của viện khoa học của Singapore, mình vào mình trả lời mình thích business, mình mê nhà báo, rồi du lịch pla pla pla mà kg phải như kỹ sư hóa học, dược sĩ, nhà khoa học…. như mục đích tìm của nó thì mình rớt đúng không chị ?

    Với lại khi phỏng vấn, mình nên trung thực hay ” bày vẽ” lên một chút, nên tư tin nhiều điểm hay khiêm tốn chị nhỉ ?

    Em hỏi hơi nhiều vì tích tụ hơi bị lâu rồi hihi, mong chị và mọi người giải đáp giúp em nhỏ 🙂

    1. Nếu ko phải câu hỏi phỏng vấn mà là bạn bè hỏi em tại sao chọn Sing du học thì em trả lời thế nào? 😀

      1. Thứ nhất là vì em thích cách học tập và cách làm việc của người Sing, dân trí của họ rất tốt nên chứng minh được là nền giáo dục từ nhỏ không phải là dở rồi ^^. Thứ hai là môi trường xanh sạch đẹp – điều này hiển nhiên rồi.Thứ ba là vì một cuộc sống hiện đại ( e nghĩ điều này hầu hết ai cũng thích hết:) ) Tiếp đến là vì gần Việt Nam nên chắc chắn ba mẹ sẽ yên tâm hơn + ông anh em đang học ở bên đấy, nên sẽ ít nhiều giúp em. ( nếu em có thể qua)
        Lý do thật sự đưa em đến với ý định đó là khi ông anh em nhận học bổng và sang Sing du học, ít nhiều gì Sing cũng ảnh hưởng đến em gián tiếp qua ông anh nên từ lúc lớp 5, e đã vạch cho mình cái ý định qua Sing, học Sing và gắng lấy học bổng Sing^^ -> e “kết” Sing lúc nào không hay .

        Và đương nhiên đây chỉ là một câu trả lời giữa 1 người bạn và mình nên ý nghĩ có chút thoáng hơn chị nhỉ? liệu như thế có ổn khi thay giữa bạn mình là người phỏng vấn kg ?

      2. Em hãy đặt câu trả lời của em vào 2 mục tiêu để biết câu trả lời có được không? 1 là thể hiện rõ con người mình. Chị đọc câu trả lời của em thì thú thật là chị chẳng biết được thêm gì về con người của em cả, ngoại trừ việc là em quan tâm đến gia đình. Cái thứ 2 là câu trả lời của em có làm em nổi bật không. 3 điều đầu em nói chị nghĩ rằng em cũng hiểu là bạn nào cũng nói. 2 điều cuối thì chung cho rất nhiều bạn. Bản thân chị cũng có anh đã học uni ở bên đó. Hãy đặt mình vào vị trí người phỏng vấn để đánh giá. Quan trọng là cách em trả lời không phải là nội dung vì ai cũng sẽ có nội dung na ná như nhau, nhưng cách em phrase your answer để show cách em nghĩ mới là quan trọng, Đúng hay sai ko quan trọng.

    2. Chị nghĩ câu trả lời của em okay, tuy nhiên nếu chị là người pv em thì chị sẽ hỏi tiếp về cái thứ nhất: Em đã từng làm việc hay học với các bạn Sing chưa? Em thích cách học tập và làm việc của người Sing ở chỗ nào? Dựa vào đâu em nói dân trí người ta tốt? Qua những lí do em nói thì Sing là môi trường rất tốt, tuy nhiên em có nghĩ đến những khó khăn em sẽ gặp phải khi ở Sing ko & cách vượt qua như thế nào? 😀

  7. Em cảm ơn các chị nhiều ^^ những lời khuyên rất có ích cho em. Em sẽ cố gắng hơn nữa vậy :).

  8. 2 chị ơi
    em có 1 vấn đề như thế này
    Why is it so damn hard to be confident and enthusiastic in front of an interviewer even tho you know that they’re human too and they’re not gonna eat you alive? :((
    Em biết là luyện tập thật nhiều sẽ làm mình tự tin hơn nhưng lần PV gần đây nhất của em là với cô nào đó người indonesia ở RV. Em cũng khá hài lòng với câu trả lời của mình (trừ câu rate your study skills. và why? Em ngồi đần mặt chả dặn ra được gì. đến lúc dặn ra được rồi thì tòan nói những câu vô nghĩa -.-), thực sự em không hiểu tại sao em tuôn thì cứ tuôn nhưng chân tay em cứ run bần bật không kiểm sóat được đến nỗi cô ý còn phát hiện ra, cười và bảo why are u so nervous?
    Gíup em với :(.

    Thanks so much in advance.

    1. Hèm, em thử xem King’s speech xem có giúp được gì ko? 😀

      Anyways, chị nghĩ practice makes perfect, mỗi ngày hãy tập suy nghĩ và diễn đạt bằng tiếng Anh thật nhiều vào, dần dần sẽ quen rồi phản xạ với tiếng Anh sẽ tự nhiên hơn. Thứ 2 như em kể thì chị thấy em như kiểu lệch tủ khi bị hỏi rate your study skills ah. Với những câu em ko chuẩn bị như vậy thì ít nhất nên chuẩn bị tinh thần … bịa :))

    2. Tất cả mọi người đều sợ hãi và run khi go for interview thôi em. Kể cả những người mà chúng ta gọi là những người có khả năng nói bẩm sinh, đều sẽ run cả thôi. Nhưng mà họ đã tập luyện rất rất nhiều để có thể giả là mình không sợ. Có vậy thôi. Luyện tập luyện tập luyện tập. Chị cũng thế thôi, bạn chị cũng thế, giáo viên chị cũng thế, giáo viên dạy presentation và public speaking cũng thế thôi. Em nên đọc nhiều bài tips, nhiều bài nói (của Steve Jobs chẳng hạn, khi ông ý present iPhone, hoặc một số bài nói trên TED.com) rồi bắt chước làm theo. Em chưa nhiều kinh nghiệm nên mới vậy, nên thường người phỏng vấn cũng sẽ hiểu và thông cảm. Nhưng nếu em để sự thiếu kinh nghiệm làm con người em không shine through thì đó sẽ là một điều đáng tiếc. Cho nên cần chuẩn bị kỹ bài, đi thi chẳng hạn, ai cũng nervous nhưng nếu chuẩn bị kỹ bài và làm nhiều ở nhà, cũng như đọc thêm các kỹ năng làm bài thi thì sẽ đỡ nervous có đúng không? 🙂 Chúc em vượt qua nỗi sợ hãi. 🙂

  9. Chị Hạnh còn viết tiếp bài nào của series này nữa không ? em đang muốn nghe chị chia sẻ kinh nghiệm nữa quá 🙂

    1. Có em. Chị còn viết bài truyền kinh nghiệm lấy học bổng đại học cũng như nói về môi trường ở Sing. Em nói làm chị vui ghê, không ngờ việc mình làm cũng có người ủng hộ 😀

  10. Cảm ơn chị Hạnh nhiều lắm. Ngày 3/8 em cũng đi PV hb ASEAN ^^. Em mong chờ bài viết của chị lâu lắm rồi, nay mới được đọc :D. Thật ra là PV đợt này em cũng chưa chuẩn bị gì nhiều (tại thi vòng viết xong, anh văn tệ quá nên cứ nghĩ mình rớt rồi, coi như buông xuôi luôn.. :P), nhưng em nghĩ đó cũng là điểm mạnh (vì giống như chị hồi trước, nhờ vậy nên tinh thần thoải mái hơn^^).

    Em nghĩ mình còn thiếu nhất là cái research về Singapore, thật sự là em chưa có nhiều thông tin về Sing cũng như là các trường mình sẽ học khi sang bên đó. Thời gian cũng ko còn nhiều lắm nên em quyết định chỉ tìm sơ sơ vài nét độc đáo chính thôi, có lẽ sẽ không kịp (gọi là gì nhỉ…) trở nên thông thái lắm, nhưng nếu biết tìm những nét độc chắc cũng gây ấn tượng tốt cho người ta được chị nhỉ :D.

    Có lẽ sẽ hơi phiền chị… nhưng chị chia sẻ cho em một vài vấn đề mà chị nghĩ mình nên tìm hiểu sâu không ạ? (thật ra em cũng chưa hình dung rõ lắm mình nên tìm hiểu về những gì).

    (Một lần nữa) cảm ơn chị nhiều lắm! Bài viết của chị phải gọi là cực kì bổ ích cho em đó! Đọc bài này em thấy vững tin hơn nhiều. ^^~

    1. Ui xin lỗi em, chị mới quay lại Sing bận thút lút giờ mới trả lời đc. Em ơi cứ chẳng có phần nào là đáng lưu ý cả. Em cứ research lung tung thấy cái gì mà mình thấy hay hay thì note lại viết cảm nghĩ về nó sao cho nó đạt đc 2 tiêu chí thể hiện được mình và làm mình khác biệt là được.

      Mình già rồi nhg vẫn thích được khen lắm. :”> Cảm ơn lời khen của em nhé 🙂 Ghé chơi đều đều nhé~~

      1. em PV xong rồi chị ạ. PV xong em mới thấy mình tệ quá. Em nghĩ là em đã rất bình tĩnh, mà không hiểu sao vừa vào người ta hỏi “bạn nghĩ những giáo viên nghĩ gì về bạn”, em phải hỏi lại đến lần thứ 3 mới trả lời đc (mà trả lời còn lúng túng nữa chứ). Sau câu đó người ta có vẻ chán chán em, em vẫn cố giữ bình tĩnh (mặc dù trong lòng rối lắm rồi :(), mấy câu sau nói chung là em trả lời cũng tạm (có điều em hay cố nói lái qua mấy điểm mạnh của mình nên đôi khi có vẻ hơi… lạc đề chút).
        Mà em được PV ít lắm ạ, hình như là có 10′ à, người ta hỏi em có khoảng 5 câu… Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước (em đã xác định nếu giờ chưa được sang Sing thì vẫn còn cả khối thử thách, cơ hội ở VN) nhưng giờ em cứ thấy buồn buồn ấy :((, chắc tại vì đã làm tệ hơn kì vọng của mình nhiều :((.
        Cảm ơn chị Hạnh đã nghe em tiêu cực một chút ạ. Chị không cần reply lại đâu, em đang rất là nặng trĩu nên muốn được ai đó nghe mình tâm sự thôi. (ba mẹ chị em đều khuyên em đừng buồn nhưng em vẫn thấy buồn lắm)

      2. Chị viết phần Sau khi phỏng vấn là cho những bạn như em. Đọc lại phần đó, rồi lại đọc lại, rồi lại đọc lại nhé 😀 Chị sau khi phỏng vấn, ngồi tự kỷ khoảng 2 tiếng đồng hồ, cứ hối hận đi hối hận lại, gọi cho bố mẹ bạn bè nghe mọi người an ủi bảo ko đc cũng ko sao rồi mà vẫn thấy hối hận. 😀 Ai cũng vậy thôi, quên đi, chuyện gì qua rồi là qua rồi.

  11. thực sự là e cảm thấy rất may mắn khi đọc được những bài chia sẻ kinh nghiệm của chị :d chỉ có 2 ngày trước khi pv em mới tìm thấy website này mà cũng đã thấy rất rất quý rồi. và phải cám ơn bài viết và tác giả vì nó đã làm em tự tin hơn rất nhiều ^^ theo em bình tĩnh tự tin đã là một khởi đầu rất tốt với em rồi!

  12. Chị ơi cho em hỏi.. kết quả phỏng vấn học bổng ASEAN dù đậu hay rớt người ta cũng gửi thư và mail cho mình, hay những người rớt lâu ko nhận được kết quả thì tự hiểu vậy chị? Em nghe bạn em bảo năm nay ở VN, ASEAN lấy 13 người, chỉ có ai đậu mới được nhận mail :(.

    1. Chị là học bổng ASTAR nên cũng ko rõ lắm. Thực sự ko giúp được gì em. Nhưng mà cho dù đậu hay rớt thì theo kinh nghiệm của người đậu lắm mà cũng rớt nhiều như chị thì cái quý giá nhất thực sự là quá trình chuẩn bị vì mình học đc nhiều thứ từ đấy lắm. 😀 Chúc em mọi điều tốt đẹp nhé, thắng thì tốt, thua thì ta cũng bày keo khác, còn vô vàn keo cơ!

      1. Cảm ơn chị :), chính thức thì em đã rớt rồi, em biết kết quả cũng mấy tháng rồi ạ 😀 (PS thêm cho những bạn thi ASEAN, người ta ko gửi mail cho những người rớt, muốn biết kết quả thì chỉ có cách google thôi). Có lẽ vì đã thất vọng từ trước nên khi biết kết quả em cũng không suy sụp lắm, chỉ hơi buồn chút thôi. Tuy không đậu nhưng thật sự là nhờ lần này mà em đã có rất nhiều kinh nghiệm, chắc chắn nó sẽ có ích cho những lần PV du học sau. Và… “Luôn có 1 cơ hội ẩn trong mỗi khó khăn”, dù ko đc đi du học nhưng hiện giờ ở VN vẫn có rất nhiều cuộc thi đáng để quyết tâm cố gắng ^^ (mai em sẽ tham gia kì thi cũng cực kì quan trọng của năm :D)

        Cảm ơn chị Hạnh và IY nhiều, em vẫn mong chờ những bài viết khác (về du học cấp ĐH) của chị :D. Hi vọng lần sau commment lại trên một bài viết khác của chị sẽ là lúc em được báo tin một vui nào đó ^^.

  13. Ss Hạnh cho em hỏi em muốn đi du học ở Sing mà vốn tiếng Anh của em rất tệ vậy thì em có đi đc ko ss ?

    1. Cái đó thì tùy ở em thôi. Em đặt mục tiêu như thế nào? Muốn học một trường thật tốt nhận học sinh tốt hay một trường bình thường ngành cũng bình thường? Ngành học nhiều toán hay nhiều kiến thức xã hội phải viết nhiều? Sang đó học được kiến thức thật sự hay chỉ đến lớp ù ù cạc cạc nhưng lấy được cái bằng? Muốn giao tiếp học tập làm việc nhóm hiệu quả với người bản xứ và những bạn từ những nước khác hay chỉ tham gia việc nhóm để lấy điểm tốt nghiêoj. Cả tùy việc em có kế hoạch sang đấy tự mình quyết tâm nâng cao tiếng anh hay không? Cả việc vốn tiếng anh của em bây giờ thế nào, có đủ để thi đỗ, để nghe giảng, để trao đổi, để viết essay hay không? Chị không thể trả lời những câu hỏi này cho em được, cho nên cũng không thể trả lời được câu hỏi của em. Em có thể đọc những câu hỏi của chị, tự trả lời và tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

  14. chị có thể đưa ra 1 vài kinh nghiệm khi làm bài thi toán được không ạ? thế khi làm thì viết bút loại gì hả chị?:D mà em thấy cách trình bày bài thi toán có khác so với VN nên thấy hơi lúng túng không biết trình bày như thế nào.

  15. Chị Hạnh ơi 31/7 em phỏng vấn ASEAN rồi ạ, em đang lo lắm. Chị có thể cho em biết lấy cái bài phỏng vấn mẫu ở chỗ nào không ạ, em Google tệ lắm không thấy…

  16. Hi, chị, em nghĩ là bây giờ em vừa mới có đủ tuổi để tham gia & bây giờ em mới cmt được :). Em sinh năm 99, học lực của em không có gì đặc biệt. Em chỉ mới thi SLEP ,họ nói rằng tiếng Anh của em khá & đủ điểm để đi exchange ở Mỹ 1 năm (nhưng gia đình có lẽ không đồng ý vì vẫn phải đóng 16K). Sau khi đọc bài của chị em biết được nhiều thông tin hơn, (có tự tin hơn & có tự ti hơn) em rất dở về kĩ năng nghe, lúc giao tiếp thì em phản ứng chậm, em phải nghĩ về từ để diễn đạt. Em vẫn đang luyện tập & sẽ đăng kí tham gia chương trình học bổng ASEAN năm sau, chắc tới lúc đó cũng đỡ hơn nhiều. Em vẫn còn gặp khó khăn về việc đó. Em phải học rất nhiều mỗi ngày & thường không có thời gian để tự luyện tập Anh ngữ. Nhưng cho em hỏi là kết quả học tập ở trường có quan trọng trong việc trao học bổng không ạ? Và tham gia kiểm tra các môn bằng tiếng Anh ở mức độ nào? Vì em nghĩ nền giáo dục ở Sing & VN không giống nhau.

  17. chị Hạnh ơi, theo chị thấy thì mình nên thi lấy học bổng ASEAN hay ASTAR? Vì muốn có nơi học Tiếng Anh tốt nhưng vì gia đình không có ddiều kiện qua nuớc ngoài hay Hội Việt Mỹ ,chị có thể gợi ý cho em nơi nào dạy Anh văn tốt hay cách học hay trong thời gian ngắn được không ạ ? Em cảm ơn.

Bạn nghĩ gì? (Hít thở sâu và làm vài động tác thể dục trong lúc chờ bình luận được duyệt nhé)